Nếu bạn đồng tình với việc mình được cho là một người “sống xa cách với xã hội” ngay cả trước thời kỳ cách ly xã hội, thì có lẽ COVID-19 đã cho bạn thấy một khía cạnh khác của chính mình. Bởi tôi chính là minh chứng sau khi nhận ra mình không “xa cách” như mọi người vẫn tưởng. Khi thời gian giãn cách xã hội kéo dài lâu hơn mong đợi, tôi thấy mình và những người thân yêu dần thích nghi với sự gần gũi đằng sau chiếc màn hình điện thoại, chiếc khẩu trang, giọng nói và những chuyến giao hàng.
Nhiều người trong chúng ta vẫn còn khá miễn cưỡng trước thực tế mới này, tuy nhiên, số còn lại lại khá dễ dàng chấp nhận. Khi giai đoạn giãn cách kéo dài, chúng ta lại càng tìm thấy cho mình nhiều lý do hơn để có thể chung sống hoà bình với cảm giác mới mẻ này, cái gọi là “sự gần gũi”. Sự gần gũi ở đây có thể là “gần” (cạnh bên) trong những kết nối địa lý, “gần” (thân) trong những mối quan hệ thân thiết hay sâu xa hơn là “gần” (tương tự) trong quan điểm sống.
Thực ra, đa số chúng ta đều xích lại gần nhau hơn sau đại dịch. Chúng ta gặp gỡ nhiều hơn những người thân thiết trong vòng tròn kết nối của mình và do đó, chúng ta cũng chia sẻ với nhau nhiều hơn về thế giới quan của mình. Giờ đây, chúng ta có thể mở lòng để nhìn nhận từ một góc nhìn mới, mặc cho những khác biệt về khoảng cách thế hệ, tuổi tác, hiểu biết công nghệ và vô số những điều khác biệt đáng kể khác.
Thứ nhất, sự tiện lợi của việc mua sắm trực tuyến ngay trên màn hình điện thoại và giao dịch phi tiền mặt cuối cùng cũng đã lôi cuốn được những người đã từng cố chấp.
Cha tôi là người từng cho rằng những món đồ giao tận nơi “trong tích tắc” không thể đạt được độ tươi mới hay chất lượng. Thì nay, ông đã “chịu” chấp nhận. Thêm vào đó, ông thay thế thói quen ra ngoài đi dạo của mình bằng việc đi bộ trên sân thượng, để hít thở chút khí trời từ ban công, cửa sổ và quan trọng là chút không khí nhộn nhịp của đám đông và những người sống xung quanh. Còn mẹ tôi lại chấp nhận tham gia những buổi cầu nguyện tuân thủ quy định giãn cách ở công viên hay truy cập vào nhóm cầu nguyện trên Zoom, thay vì ở trong những phòng cầu nguyện như trước đây. Chị gái tôi, hiện đang là giáo viên, cũng vui vẻ hơn với việc dạy học từ xa trên GMeet.
Hoá ra, giãn cách xã hội lại có nhiều ưu điểm hơn nhược điểm. Chẳng hạn, mẹ tôi từng chủ động từ chối sử dụng thiết bị công nghệ nay đang học cách dùng iPad. Thậm chí giờ đây, bà thường xuyên kết nối với những người bạn đại học đã không liên lạc từ rất lâu của mình và rất tận hưởng việc gọi điện, nhắn tin, video call trên ứng dụng Whatsapp. Nhiều lúc, bà còn chuyển tiếp một số tin nhắn cho tôi xem. Và tôi cảm thấy vui vì điều đó. Vậy mà trước khi COVID xảy ra, bố mẹ tôi chỉ hào hứng với chiếc camera an ninh lắp đặt ở nhà được 2 tháng trước khi hoàn toàn quên mất sự hiện diện của nó. Đơn giản là vì họ không có động lực để sạc camera vài ngày một lần nhưng họ lại không thấy phiền với việc tưới cây hay đi chợ mua rau củ mỗi ngày.
Giờ đây, tôi đã hiểu được. Đối với họ, thói quen kết nối với thế giới bên ngoài bằng một cái vẫy tay, câu nói, hay đi dạo đã trở thành một sự tiện lợi trong hơn 6 thập kỷ qua, cho đến một ngày nó không còn đúng như vậy nữa. Trong bối cảnh đại dịch, chúng trở thành những hoạt động gây nguy hiểm đến tính mạng và thể hiện sự ích kỷ, sống buông thả – các yếu tố họ không bao giờ chấp nhận và cho phép.
Vậy điều gì xảy ra tiếp theo khi mọi thứ trở lại bình thường, có thể trong 1-2 năm nữa? Liệu họ có bị thôi thúc để quay trở lại lối sống tiện lợi trước đây hay xem những hoạt động đó không còn cần thiết? Riêng tôi nghĩ rằng họ sẽ giữ sự thay đổi.
Thứ hai, trong bối cảnh thất nghiệp, lương thưởng bị cắt giảm, giá cả tăng vọt, khủng hoảng kinh tế, hạn chế tài chính là các yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi. Trước đại dịch, chúng ta có xu hướng nghĩ về cuộc sống sung túc, những khoản đầu tư và tính thanh khoản của tài sản. Ảnh hưởng của đại dịch kéo con người quay về thực tại bằng cách phân biệt giữa sự thiết yếu và xa hoa. Chính COVID-19 đã vạch ra ranh giới rõ ràng giữa hai khái niệm này.
Điều tuyệt vời nhất có lẽ là sau nhiều thế kỷ “không chung tiếng nói”, các thế hệ, đặc biệt là Millennials và X, có thể cùng bàn luận về chủ đề tài chính, chi tiêu. Đây là lần đầu tiên, Millennials được xem là “người lớn” chứ không còn là “người ngoài cuộc” như trước.
Thứ ba là tính chất địa phương (locality). Nếu trước đây định nghĩa của “địa phương” chỉ gói gọn trong một khu vực hay một khoảng cách địa lý, thì nay đang dần phát triển trong cả không gian kỹ thuật số (digital). Nếu cho rằng tính chất địa phương được định ra bằng những ranh giới, thì giờ đây việc đi học, việc đi làm, việc huấn luyện và đào tạo, hôn nhân gia đình hay tương tác xã hội đều có thể liên kết với nhau trong những ranh giới “mà chúng ta lựa chọn để phát triển”.
Những điều này đã không còn là “những điều chưa từng có”. Điều gì đó đã thay đổi từ bên trong mỗi chúng ta, theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Bạn có đang trải nghiệm một cảm giác gần gũi rất khác? Bạn có cảm nhận được rằng nó có thể thay đổi ý nghĩa của những cảm giác thật, những mối quan hệ thân thiết, sự có qua có lại, lòng tin và tính chất địa phương không?
Có thể thấy rằng COVID-19 đã khiến cho chúng ta có chung nhiều suy nghĩ. Điều đó thật sự rất cần thiết để chúng ta hướng đến một thế giới đa dạng nhưng không bị chia rẽ. Hơn nữa, COVID-19 giúp chúng ta có thể tự mình ứng phó với những vấn đề tương tự – nhưng với một cách tiếp cận mới.
Vậy còn bạn, bạn có cảm nhận được những điều mà tôi cảm nhận không?
© 2020 Narrativ.Design. All rights reserved. The author is the founder of Narrativ.Design. He has worked in various strategic roles across Asia, on local and global brands for over 15 years. He is fluent in Bengali, Hindi and English. You can reach him at authors@narrativ.design. Image: ©Pathfinderabhi
Comments